Vũng Tàu là thành phố biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ở vùng Đông Nam Bộ. Nếu nhìn theo chiều Bắc Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S trên bản đồ Việt Nam và nhô hẳn ra khỏi đất liền.

Vũng Tàu mùa nào đẹp

Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa trong khoảng tháng 5-10 còn mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình ở ngưỡng 27 độ C nên mát mẻ quanh năm.

Trước và sau Tết là thời điểm thích hợp để du khách vừa tắm biển nghỉ dưỡng, vừa ngắm rừng hoa anh đào nở rộ ở đèo Nước Ngọt, thị trấn Long Hải. Tuy nhiên bạn cần xem trước dự báo thời tiết để tránh gặp mưa bão.

Các ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, khách du lịch đổ về đông khiến giá cả dịch vụ tăng cao, các nhà nghỉ, khách sạn chật kín phòng. Để có kỳ nghỉ đáng nhớ, bạn nên tránh các khoảng thời gian này hoặc hạn chế ở trong trung tâm thành phố.

Di chuyển

Từ TP HCM, du khách có thể chọn xe máy, ôtô hoặc tàu cao tốc, phà. Nếu đi xe, bạn đi theo hướng Quốc lộ 1 – Quốc lộ 51 – Vũng Tàu; hoặc từ phà Cát Lái (quận 2, TP HCM) – Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Quốc lộ 51 – Vũng Tàu. Đối với những du khách tự lái ôtô, đi hướng cao tốc Long Thành – Đồng Nai.

Đường ven biển đoạn đèo Nước Ngọt, nơi giáp ranh hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Ảnh: Trường Hà

Nếu muốn trải nghiệm đi phà, du khách từ TP HCM đi khoảng 70 km đến bến đò Tắc Suất (Cần Giờ) để lên phà. Phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu có thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Tuy nhiên, hành khách lưu ý thời gian thực tế có thể kéo dài hơn, tùy thuộc vào tình hình thời tiết và mực nước biển. Giá vé mỗi lượt khách là 70.000 đồng. Phí chở xe máy và xe đạp 50.000 đồng mỗi xe. Ôtô từ 4 chỗ đến 26 chỗ trở lên có giá từ 350.000 đến 800.000 đồng mỗi chiếc.

Chọn đi xe khách, bạn có thể ra bến xe miền Đông để mua vé trực tiếp hoặc gọi đặt trước qua hệ thống online. Giá từ 80.000 tới 160.000 đồng một vé.

Nếu đi tàu cao tốc Pacific Express, bạn mất khoảng 1 tiếng 30 phút. Giá vé 200.000 đồng một người lớn. Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi trả 100.000 đồng, dưới 6 tuổi miễn phí. Giá vé cho người trên 62 tuổi là 140.000 đồng một lượt. Tàu sẽ xuất bến từ cảng Nhà Rồng.

Từ Hà Nội, du khách phải bay hoặc đi tàu hoả tới TP HCM sau đó lựa chọn các phương tiện nói trên để tới Vũng Tàu.

Chơi gì

Biển

Vũng Tàu có 42 km bờ biển, trong đó dài nhất và đẹp nhất là bãi Sau, trải dài gần 10 km, nằm ở phía Nam thành phố. Bãi Sau còn có tên gọi là Thùy Vân, là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam với những bãi cát trắng mịn, thẳng tắp.

Tiếp đến là bãi Trước, còn được gọi là bãi Tầm Dương do nằm ở phía Tây, có thể ngắm mặt trời lặn trên biển.

Vũng Tàu còn có bãi Dứa, nơi biển len sâu vào bờ, tạo nên những ghềnh đá vươn dài ra biển, đồng thời tạo thành những vũng tắm kín đáo, thơ mộng.

Bãi Dâu kín gió với nhiều ghềnh đá kỳ thú. bãi Vọng Nguyệt hoang sơ nằm dưới chân núi Nhỏ, ba bề là vách đá cheo leo hùng vĩ, dành cho những người thích khám phá, trải nghiệm…

Tuy nhiên, các bãi biển ở Vũng Tàu thường xuyên quá tải mỗi dịp lễ, Tết. Nếu đi vào mùa cao điểm, bạn nên cẩn thận bảo quản đồ đạc cá nhân, tư trang và không nên ra quá xa bờ. Sau khi vui chơi thỏa thích dưới biển, bạn có thể tranh thủ thời gian để vừa ngắm hoàng hôn, vừa nghỉ ngơi.

Bãi Trước, Vũng Tàu. Ảnh: Trần Thành Duy

Danh thắng

Núi Nhỏ và núi Lớn

Núi Nhỏ và núi Lớn là hai ngọn núi đẹp của thành phố biển. Dưới chân núi Nhỏ là con đường ven biển Hạ Long được công nhận là con đường đẹp nhất Việt Nam với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Trên núi có ngọn Hải đăng Vũng Tàu và Tượng Chúa Kitô Vua nổi tiếng. Còn núi lớn có đường Trần Phú bao quanh, với những điểm tham quan là Bạch Dinh, Thích Ca Phật Đài, khu du lịch Hồ Mây.

Đảo Gò Găng là một hòn đảo còn hoang sơ thuộc TP Vũng Tàu. Đến đảo, du khách được tận hưởng không khí trong lành của biển cả, thưởng thức nhiều loại hải sản độc đáo nuôi ở đây. Hàu nướng là một trong những món được ưa thích. Ngoài ra, thực đơn còn có các món như cúm, mực ống, bạch tuộc, cá sòng…

Một góc trên đảo Gò Găng. Ảnh: Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu

Đảo Ngọc nằm giữa những cánh rừng ngập mặn, diện tích 61 ha. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý, hải sản. Tour tham quan có giá 100.000 đồng một người. Trên đảo, bạn có thể tham gia các hoạt động chèo thuyền kayak, câu cá, thả lưới đánh bắt cá, chụp ảnh hoặc ăn uống.

Trải nghiệm thăm đảo phù hợp với nhóm 5 – 8 người; nếu đi một mình, bạn có thể xin ghép đoàn.

Ảnh: Pullman Vũng Ta

Mũi Nghinh Phong

Nghinh Phong có nghĩa là “đón gió”, còn gọi là mũi Vũng Tàu, đón gió suốt 4 mùa. Đây là mũi đất vươn dài nhất ở phía Nam của bán đảo Vũng Tàu. Từ đây du khách có thể ngắm hòn Bà, xa hơn nữa là thuyền đánh cá.

Đường ra mũi Nghinh Phong gập ghềnh và nhiều đá, bạn cần đi giày hoặc dép, tránh đi chân trần. Hạn chế mặc váy để dễ dàng di chuyển. Khu vực này gió to nên du khách có thể mang theo áo khoác mỏng để tránh ngấm lạnh.

Ảnh: Bảo Trân

Trong khu du lịch mũi Nghinh Phong còn có điểm check-in là “cổng trời”. “Cổng trời” thực ra là một khung cửa xây kiên cố trên đỉnh núi nhưng không hề dẫn tới một công trình nào mà lại mở ra một không gian thoáng rộng xuống bãi biển mênh mông trước mắt.

“Cổng trời” nằm ở vị trí cao, hai bên có bậc thang đá. Địa điểm này cũng nằm ngay gần cung đường đến tượng Chúa dang tay nổi tiếng ở Vũng Tàu, bạn có thể kết hợp tham quan cả hai thắng cảnh một cách tiện lợi.

Để đến cổng trời ở Mũi Nghinh Phong, bạn đến tượng Chúa Kito, ở phía đối diện có quán cà phê bị bỏ hoang. Đi tiếp theo đường mòn đến bậc thang dẫn xuống biển là tới nơi.

Ảnh: Bảo Trân

Đồi Con Heo

Ảnh: Ly Đặng

Tọa lạc ngay Bãi Sau, đồi Con Heo trước đây là nơi khai thác đá. Đứng ở đồi Con Heo, du khách có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh của Vũng Tàu.

Lối lên đồi bắt đầu từ con hẻm nhỏ đường Phan Chu Trinh (phường 2) với chiều dài khoảng 500 m. Với địa hình núi đá dốc và khúc khuỷu, để lên được đây, du khách phải đi bằng xe máy hoặc cuốc bộ.

Di tích

Tượng Chúa Kito

Tọa lạc ở độ cao 170m, tượng Chúa Kito hay còn gọi là tượng Chúa dang tay nhìn ra biển trên núi Nhỏ. Được khởi dựng từ 1974, bức tượng khánh thành năm 1994, với chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét. Tượng đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cánh tay tượng – nơi du khách ngắm nhìn toàn cảnh biển và thành phố Vũng Tàu.

Ảnh: Đàm Văn Thảo

Ngay phía dưới chân tượng chúa là ba cỗ pháo khổng lồ – thuộc trận địa 11 đại pháo cổ trên núi Nhỏ. Mỗi khẩu pháp đều được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất, đường kính 10,5 m. Các cỗ pháp này được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn ngay dưới chân tượng chúa Kito.

Miếu hòn Bà

Ngôi miếu khách muốn đến phải canh giờ

Video: Huỳnh Nhi

Thích Ca Phật Đài

Đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu. Thích Ca Phật Đài nằm trên sườn của Núi Lớn, nổi bật với bức tượng Thích Ca Mâu Ni tọa thiền trên lưng chừng núi. Đứng từ rất xa, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng bức tượng.

Thích Ca Phật Đài phần nào tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca với các hình tượng Phật đản sanh, thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, Phật Thích Ca thành đạo, Đức Phật ngồi trên tòa sen và Đức Phật nhập Niết Bàn. Ngoài ra, chùa còn có một bảo tháp Xá Lợi cao 17 m, bên trong là hộp vàng đựng 13 viên xá lợi của nhà chân tu. Dưới chân bảo tháp là bốn đỉnh lớn, trong đó đặt đất thiêng được thỉnh về từ nơi Đức Phật ra đời.

Ảnh: Tuấn Quyền

Ngọn hải đăng Vũng Tàu

Ngọn hải đăng nằm trên núi Nhỏ, từ đây du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố ẩn hiện trong sương. Để lên đỉnh, bạn sẽ men theo đường hầm được xây kiên cố trong ngôi nhà hai tầng vốn là nơi cư trú và sinh hoạt của những người gác hải đăng. Nơi đây đẹp nhất vào mùa lá rụng. Còn nếu đến tham quan trực tiếp ngọn hải đăng, bạn nên đến vào chiều tối, khung cảnh sẽ thú vị hơn so với ban ngày.

Ngọn đèn biển ở Vũng Tàu là một trong những ngọn hải đăng có tuổi thọ lâu đời nhất tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức

Nhà thờ Vũng Tàu

Nhà thờ công giáo mang đậm nét Á Đông được xây dựng từ năm 1940. Nhà thờ tọa lạc tại trung tâm thành phố, phía trước là đường Trần Hưng Đạo, cách Bãi Trước khoảng 200m, phía sau là đường Lý Thường Kiệt và nằm khoảng giữa đường Thống Nhất, có khuôn viên rộng rãi và những hàng cây cổ thụ.

Ảnh: Đỗ Tuấn Hùng

Đình Thắng Tam

Đây là nơi ghi dấu ấn của những lưu dân người Việt thời xưa đi mở cõi. Trong khuôn viên đình Thắng Tam có lăng Ông Nam Hải chứa cốt và thờ phụng 180 cá Ông Nam Hải (cá voi); được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991.

Bạch Dinh

Còn có tên là Villa Blanche, Bạch Dinh là một trong những công trình nổi tiếng nhất ở TP Vũng Tàu. Dinh thự kiến trúc kiểu châu Âu này được xây cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn Núi Lớn. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện nơi đây còn lưu giữ 19 khẩu thần công. Địa chỉ ở số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *